STI là gì? Những bệnh STIs phổ biến

Đã đăng 22/08/2019

STI là gì
Hình minh họa

Bất cứ ai trong chúng ta cũng có khả năng bị nhiễm STI. Những bệnh lý này có khả năng đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bị lây nhiễm. Vậy, STI là gì? Phải làm sao để ngăn chặn những căn bệnh nguy hiểm này?

STI là gì?

STI (Sexually Transmissible Infections) với nghĩa Việt Hóa là các bệnh lây truyền qua đường tình dục (trong một số tài liệu tiếng anh còn gọi là STDs).

Hiểu rõ hơn thì đây chính là những căn bệnh nhiễm trùng lây lan qua việc tiếp xúc trực tiếp giữa bộ phận sinh dục của người bệnh với niêm mạc da bị tổn thương (ở vùng sinh dục, miệng, mắt, hậu môn) của người lành thông qua hoạt động tình dục không an toàn.

STI được xem là loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và dễ lây lan nhất. Theo thống kê, hàng năm trên thế giới có hàng triệu ca mắc STI, đặc biệt là những người đang trong độ tuổi quan hệ tình dục và sinh sản.

Một số STI có thể được chữa trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên một số khác thì không.

Phân loại STI

Các nhà khoa học đã tìm ra hơn 20 loại STI khác nhau. Và chúng thường được chia thành 3 nhóm chính gồm:

STI do vi khuẩn:

  • Chlamydia;
  • Trichomoniasis;
  • Lậu;
  • Giang mai.

STI do virus:

  • HIV;
  • Herpes sinh dục;
  • Mụn cóc sinh dục;
  • Sùi mào gà;
  • HPV;
  • Viêm gan B.

STI do ký sinh trùng:

  • Rận mu

Vì sao chúng ta bị lây nhiễm STI?

STI thường được gây ra bởi các tác nhân (vi khuẩn, virus) sống trên da hoặc dịch tiết vùng kín như tinh dịch, khí hư. Một số khác tồn tại trong máu.

Chúng có thể lây nhiễm từ người này qua người khác thông qua những con đường sau:

  • STI chủ yếu lây truyền qua đường tình dục không an toàn qua âm đạo, hậu môn và miệng.
  • Một số ca mắc STI có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai hoặc khi sinh nở.
  • Sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người khác cũng gây nguy cơ mắc STI.
  • Một số STI có thể lây truyền qua đường máu;

Triệu chứng nhận biết STI

Thông thường mỗi STI sẽ có các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều có các biểu hiện thường gặp sau:

  • Tiết dịch bất thường ở vùng kín (dương vật, âm đạo);
  • Bộ phận sinh dục bị ngứa, sưng đỏ;
  • Nổi mụn hoặc lở loét ở cơ quan sinh dục;
  • Có cảm giác đau, bỏng rát khi đi tiểu;
  • Chảy máu vùng kín bất thường.

STI nguy hiểm không?

Câu trả lời là có! Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, STI có thể tác động và gây ra nhiều rủi ro đối với sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản của con người.

  • Gây vô sinh ở cả nam và nữ;
  • Tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung;
  • Dẫn tới thai chết lưu;
  • Gây rối loạn khả năng sinh lý;
  • Tăng nguy cơ nhiễm HIV;
  • Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tình dục;
  • Ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Khi nào nên khám STI

Quan hệ tình dục qua đường sinh dục, hậu môn hoặc miệng với đối tượng có khả năng nhiễm bệnh cao mà không sử dụng bao cao su.

Dùng chung kim tiêm hoặc giao hợp với người dùng chung kim tiêm.

Có nguy cơ bị phơi nhiễm hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mắc STI.

Kiểm tra, thăm khám STI như thế nào?

Để xác định STI, cả nam giới và nữ giới sẽ được thăm khám và thực hiện theo các bước sau:

  • Kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài, hậu môn, trực tràng, da và miệng;
  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Xét nghiệm máu;
  • Xét nghiệm tế bào niệu đạo;
  • Xét nghiệm tế bào ở họng, trực tràng;
  • Xét nghiệm tế bào âm đạo, cổ tử cung (ở nữ giới);
  • Thăm khám cơ quan sinh sản.

STI có chữa khỏi được không?

STI có thể chữa khỏi, với điều kiện là được phát hiện sớm và chữa trị bằng phương pháp phù hợp.

Việc chủ quan trong việc chữa trị STI, để bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn sẽ làm giảm hiệu quả điều trị và dễ gây biến chứng.

Tuy nhiên, một số STI như HIV/AIDS hay HPV, HSV thì khó chữa khỏi được hoàn toàn các loại virus này khó loại bỏ khỏi cơ thể.

Việc sử dụng thuốc điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng bệnh và ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh.

Cách phòng tránh STI

Quan hệ tình dục an toàn là cách phòng tránh STI hiệu quả nhất. Điều này có nghĩa là:

  • Sử dụng bao cao su trong mỗi lần quan hệ;
  • Nắm được tình trạng STI của bạn tình;
  • Hỏi trực tiếp bạn tình về đời sống tình dục trước đây;
  • Không quan hệ khi đối tác có các biểu hiện bất thường ở vùng kín, hậu môn hay miệng;
  • Nên thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên.

STI có thể đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống của con người. Do đó, bất cứ ai trong chúng ta cũng cần đề phòng với các bệnh lý này.

Một khi không may mắc phải STI, các bạn đừng mặc cảm mà hãy chủ động điều trị bệnh ngay để tránh gặp phải những rủi ro không mong muốn.

Tra cứu