Bệnh rối loạn tiền đình là gì?

Đã đăng 22/03/2019

Rối loạn tiền đình là gì và cách xử trí ra sao, biết được các thông tin này sẽ giúp bạn ngăn chặn được triệu chứng nguy hiểm của bệnh và ngăn không cho chúng ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. 

Bệnh rối loạn tiền đình là gì?

Rối loạn tiền đình là tình trạng tai trong và não bị tổn thương, dẫn tới việc xử lý thông tin bị ảnh hưởng, khiến cho cơ thể mất khả năng kiểm soát cân bằng. Đặc biệt là những khi di chuyển, đứng, nằm hay cúi xuống.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tiền đình bị rối loạn không phải là bệnh mà thực chất chỉ là một hội chứng. Nó không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại có thể là nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý nguy hiểm khác.

Căn cứ vào nguyên nhân và dấu hiệu, rối loạn tiền đình được chia làm 2 loại khác nhau:

  • Rối loại tiền đình ngoại biên (các triệu chứng thường xuất hiện trong thời gian ngắn).
  • Bệnh rối loạn tiền đình trung ương (triệu chứng nặng, kéo dài).

Triệu chứng của rối loạn tiền đình

Thực tế, những triệu chứng của rối loạn tiền đình sẽ xuất hiện theo mức độ tổn thương, lão hóa và tùy theo từng loại. Nhưng tóm lại, các triệu chứng điển hình nhất bao gồm:

  • Gặp nhiều khó khăn về cân bằng khi thay đổi tư thế;
  • Hoa mắt;
  • Đau đầu chóng mặt;
  • Thường xuyên ù tai, suy giảm thính giác;
  • Nặng đầu;
  • Khó tập trung;
  • Hay quên;
  • Sợ ánh sáng;
  • Nôn ói;
  • Khó xác định phương hướng không gian;
  • Đi không vững, dễ ngã.

Có thể thấy, sự tổn thương ở vùng tiền đình khiến cho việc di chuyển, thay đổi tư thế gặp nhiều khó khăn hơn. Điều này không chỉ gây bất tiện trong cuộc sống mà còn có thể dẫn tới những nguy hiểm nhất định.

Do đó, khi có những triệu chứng nghi ngờ của rối loạn tiền đình, hãy tìm gặp bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình

Theo các bác sĩ, những nguyên nhân chính gây rối loạn tiền đình bao gồm:

  • Do chấn thương vùng sau đầu.
  • Tắc nghẽn mạch máu vùng tiền đình.
  • Xơ mỡ động mạch.
  • Tụt huyết áp.
  • Thoái hóa đốt sống cổ.
  • Nhiễm các loại virus, vi khuẩn ở tai.

Vì thế, nguy cơ mắc rối loạn tiền đình ở những đối tượng sau sẽ cao hơn:

  • Người lớn tuổi: Người trên 40 tuổi sẽ có nguy cơ cao, nhất là phụ nữ.
  • Người lười vận động: Nhân viên văn phòng ngồi nhiều, ít vận động rất dễ gặp phải tình trạng co thắt động mạch cột sống, dẫn tới thiếu máu não gây rối loạn tiền đình.
  • Người làm việc căng thẳng: Sự căng thẳng thường xuyên về đầu óc, suy nghĩ nhiều trong thời gian dài…cũng làm gia tăng khả năng mắc bệnh.

Chẩn đoán bệnh rối loạn tiền đình

Để chẩn đoán người bệnh có bị rối loạn tiền đình hay không, các bác sĩ cần phải thực hiện những xét nghiệm hay chụp chiếu để đánh giá toàn diện chức năng của vùng tai trong và não. Điều này sẽ giúp xác định nguyên nhân và góp phần đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Một số biện pháp thường dùng để chẩn đoán rối loạn tiền đình bao gồm:

  • Xét nghiệm xoay vòng: Là xét nghiệm thực hiện để kiểm tra sự phối hợp hoạt động giữa tai và mắt với sự hỗ trợ của kính video hay các điện cực.
  • Xét nghiệm âm ốc tai: Được tiến hành bằng cách gắn một loa nhỏ vào trong tai nhằm theo dõi sự hoạt động của các tế bào lông trong vùng ốc tai.
  • Ghi điện rung giật nhãn cầu: Là tên gọi chung của một nhóm những xét nghiệm sử dụng điện cực nhỏ gắn ở mắt với mục đích theo dõi các chuyển động xung quanh nhãn cầu của mắt. Từ đó, giúp phát hiện các dấu hiệu của rối loạn tiền đình hay một số vấn đề về thần kinh khác.
  • Chụp MRI não: Đây là biện pháp sử dụng kết hợp sóng radio và từ trường để quét não. Nhờ thế mà việc phát hiện các trục trặc về thần kinh như rối loạn tiền đình sẽ trở nên đơn giản và chính xác hơn.

Cách điều trị rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình muốn điều trị hiệu quả, cần căn cứ vào mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh để áp dụng phương pháp phù hợp. Có thể kể tới những phương pháp điều trị phổ biến như:

  • Dùng thuốc: thuốc an thần, thuốc tăng tuần hoàn não, thuốc Tanganil
  • Áp dụng các biện pháp phục hồi chức năng.
  • Duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học nhất.
  • Phẫu thuật.

Theo đó, với những trường hợp bệnh nhẹ, được phát hiện sớm, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đồng thời, kết hợp với một số liệu pháp hồi phục chức năng tiền đình và chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp tình trạng bệnh nhanh chóng được cải thiện hơn.

Đối với các trường hợp bệnh nặng, phẫu thuật sẽ là phương pháp sẽ thường được chỉ định để kiểm soát và hạn chế những triệu chứng của bệnh.

Trên đây là một số thông tin giúp trả lời thắc mắc bệnh rối loạn tiền đình là gì xin được giới thiệu tới bạn đọc. Hi vọng điều này sẽ giúp cho việc phát hiện và điều trị bệnh được sớm hơn, giảm thiểu những ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe.

Tra cứu